Bến Kè là tên gọi của một trong 4 ấp thuộc xã Thủy Đông được hình thành từ khá sớm so với lịch sử khai phá vùng Đồng Tháp Mười (Theo địa bạ triều Nguyễn thành lập năm 1836). Mặc dù là địa danh chỉ cấp thôn, nhưng đối với người dân Thạnh Hóa - Long An nói chung tên gọi Bến Kè khá phổ biến và được sử dụng để đặt tên gọi cho các công trình giao thông ở địa phương như: kênh Bến Kè, cầu Bến Kè, Hợp tác xã Bến Kè và trường học Bến Kè.

Về vị trí địa lý, Bến Kè được biết đến là khu vực nằm ở vùng rìa của lòng chảo Đồng Tháp Mười, từ xa xưa, nơi đây là vịnh biển ăn sâu vào đất liền, do sự tác động của hiện tượng biển thoái từ cách đây 6.000 năm, khu vực này được bồi lấp bởi phù sa, trầm tích của sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Quá trình bồi đắp liên tục của lượng phù sa từ hệ thống sông và lũ lụt hằng năm từ thượng nguồn đổ về kết hợp sự tích lũy chất hữu cơ phân hủy từ hệ thực vật (tràm, lau, sậy, cỏ bàng,…) đã hình thành nên địa hình đất Đồng Tháp Mười như hiện nay trong đó có huyện Thạnh Hóa.

Bước vào thời kỳ khai hoang từ năm 1975, Bến Kè được biết đến là vùng đất của củ mì và củ khoai mỡ, những đặc sản địa phương nổi tiếng khắp vùng. Tên gọi Bến Kè cũng được biết đến rộng rãi từ đó. Và ở thời kỳ này, cây khoai mỡ với giống bản địa được người dân địa phương đưa vào cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương bên cạnh cây mì nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng địa phương và gia tăng sản xuất. Từ chỗ vài chục hecta khoai mỡ được người dân mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mang tính chất sản xuất tập trung trong công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1975 - 1985), đến giai đoạn năm 1986 - 1989, cây khoai mỡ đã thể hiện ưu thế vượt trội về đặc tính thích nghi trên đất phèn, diện tích khoai mỡ đã tăng lên đến 500 ha, năng suất 6 - 7 tấn/ha, vượt xa các loại cây trồng khác về diện tích và hiệu quả kinh tế như mì, mía, dứa, từ đó danh tiếng cây mì dần mất đi thay vào đó là cây khoai mỡ,…

Từ sau giai đoạn năm 1990 trở đi, diện tích, năng xuất và sản lượng khoai mỡ không ngừng tăng lên, năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha, đồng thời thể hiện sự vượt trội về hiệu quả so với các loại cây trồng khác, mang lại niềm tin cho cộng đồng sản xuất.

Đến nay, vụ mùa năm 2020 toàn bộ huyện Thạnh Hóa đã tập trung sản xuất khoai mỡ với hơn 2.799 ha tập trung chủ yếu ở các xã Thủy Đông, thị trấn Thạnh Hóa, xã Thạnh An, xã Thủy Tây và xã Tân Tây, năng suất trung bình 15 tấn/ha, sản lượng 41.506 tấn, giá bán bình quân 8.000đ/kg, lợi nhuận thấp nhất là 40 triệu đồng/ha.

Có thể thấy, cây khoai mỡ với quá trình lịch sử phát triển không ngừng, từ chỗ là cây trồng phụ dần dần đã trở thành cây trồng chủ lực, và là cây trồng đặc sản của địa phương gắn liền với tên gọi khoai mỡ “Bến Kè” của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Giờ đây, khi nhắc đến địa danh Bến Kè, đặc sản gắn liền địa danh tương ứng chính là cây khoai mỡ, với những đặc trưng nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng (tím than, tím bông lau và trắng), kích thước củ hình trụ tròn, củ lớn, đều và rất ít phân nhánh mà các vùng khác không thể nào sánh được.

Cây khoai mỡ mang tên gọi địa danh Bến Kè với sự thích nghi với điều kiện đặc biệt khắc nghiệt như: đất chua phèn tự nhiên của vùng đất thấp trũng Thạnh Hóa đã vươn mình mạnh mẽ phủ xanh cánh đồng vốn dĩ đỏ rực của chua phèn, sản phẩm củ khoai mỡ không chỉ được phân phối trong phạm vi khu vực nhỏ hẹp của địa phương mà còn vươn mình đến tận khu vực Châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật và Cambodia, mang lại niềm tự hào của vùng đất Thạnh Hóa anh hùng. Chính sự phát triển mạnh mẽ và những giá trị đóng góp cải thiện đời sống nông thôn của cây khoai mỡ Bến Kè, tác giả Diệp Vàm Cỏ đã khắc họa hình ảnh của khoai mỡ trong tác phẩm “Tôi yêu màu nắng quê nhà” nổi tiếng bằng những câu thơ rất chân tình và đầy tự hào: “Trở lại Bến Kè giữa mùa khoai mỡ, hương vị nồng nàn tím ngát tình ai”.

Thật đúng như vậy, cứ mỗi năm vào mùa khoai mỡ từ tháng 11 đến tháng 7 hằng năm, khi có dịp ghé ngang qua vùng Thạnh Hóa - Long An theo đường quốc lộ N2 nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Miền Tây và quốc lộ 62 nối từ thành phố Tân An đi biên giới Cambodia thông qua cửa khẩu Bình Hiệp, đâu đâu cũng thấy cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đầy ắp khoai mỡ đang chờ được thương lái vận chuyển đi các địa phương và đến các nhà máy tiêu thụ.