Hiện nay, nông dân trồng khoai mỡ thuộc vùng Đồng Tháp Mười của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang vào mùa thu hoạch rộ. So với những năm trước, vụ khoai năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Ông Trương Văn Siếm, thị trấn Thạnh Hóa phấn khởi cho biết, gia đình ông trồng khoai mỡ với diện tích 4 ha. Hơn 10 năm về trước, khoai mỡ đã giúp người nông dân có cuộc sống ổn định nhờ giá tương đối cao. Song những năm gần đây, khoai mỡ liên tục bị mất mùa, mất giá khiến nhiều hộ dân điêu đứng.
Tuy nhiên, vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi nên khoai mỡ có năng suất cao. Hiện, khoai mỡ đạt năng suất 15 tấn/ha và giá bán 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, bón phân, ông Siếm thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha.
Còn bà Nguyễn Thị Bé, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa trồng được 3 ha khoai mỡ. Nhờ chăm sóc chu đáo, năng suất khoai đạt 20 tấn/ha. Trúng lớn vụ này, bà Bé vô cùng phấn khởi, lãi hơn 500 triệu đồng và đang chuẩn bị cho mùa vụ tới với diện tích tăng hơn.
Nông dân Đồng Tháp Mười được mùa khoai mỡ (Ảnh minh họa)
Vụ khoai mỡ năm nay, huyện Thạnh Hóa trồng hơn 2.700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thủy Đông, Thạnh An, Thủy Tây, Tân Tây và thị trấn Thạnh Hóa. Khoai mỡ là một trong những cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương - ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa cho hay.
Từ chỗ là cây trồng phụ, khoai mỡ đã trở thành cây trồng chủ lực, cây đặc sản của địa phương gắn liền với tên gọi khoai mỡ “Bến Kè” của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Cây khoai mỡ đã thể hiện ưu thế về đặc tính thích nghi trên đất phèn. Khoai mỡ được trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau (âm lịch) với những đặc trưng nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng (tím than, tím bông lau và trắng)...
Theo ông Kha, phát huy tiềm năng và thế mạnh của cây khoai mỡ, giúp nông dân sản xuất ổn định và bền vững. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh hiệu quả cao.
Đặc biệt, UBND huyện Thạnh hóa vừa quyết định Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ của tỉnh Long An. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang hỗ trợ huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý khoai mỡ để giữ vững thương hiệu và tiêu thụ ổn định hơn.
Nguồn: Báo Tin tức