Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa “Chỉ dẫn địa lý” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển nông sản của địa phương.

  1. Ý nghĩa đối với khu vực có chỉ dẫn địa lý

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sự công nhận của cơ quan nhà nước, hay nói rộng ra là sự công nhận của cộng đồng đối với một vùng đất, một khu vực địa lý về việc vùng đất, khu vực địa lý đó đã “sản sinh” ra một/ một số sản phẩm có tính chất, chất lượng, danh tiếng đặc thù, khác biệt so với sản vật của các vùng đất khác. Sự công nhận về tính “đặc thù” đó có ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, trở thành niềm tự hào, góp phần giúp địa phương quảng bá hình ảnh của mình.

Ví dụ: người Bordeaux, Pháp tự hào về sản phẩm rượu vang mang chỉ dẫn địa lý “Bordeaux”, người Scotland vang danh khắp thế giới với sản phẩm rượu mạnh “Scotch Whisky”; tại Việt Nam, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm, “Bình Thuận” gắn liền với quả thanh long là niềm tự hào của những địa phương có các chỉ dẫn địa lý này.

Ở nước ta hiện nay, bên cạnh ý nghĩa về mặt văn hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định tình hình lao động việc làm và góp phần phát triển kinh tế của địa phương và cả quốc gia. Theo số liệu công bố chính thức từ Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã bảo hộ 116 chỉ dẫn địa lý, trong đó có đến khoảng 80 chỉ dẫn địa lý gắn liền với các sản phẩm nông sản. Trong khi đó theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Thống kê Việt Nam, năm 2021, lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Vì vậy, việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý gắn liền với các sản phẩm nông sản sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị của nông sản, giúp lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp yên tâm gắn bó hơn với khu vườn, thửa ruộng, nhờ đó góp phần ổn định tình hình lao động việc làm và tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước.

2. Ý nghĩa đối với cộng đồng sản xuất và kinh doanh sản phẩm được mang chỉ

dẫn địa lý

Một sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm không được mang chỉ dẫn địa lý. Với giá trị được gia tăng, người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ có cơ hội nâng cao danh tiếng sản phẩm do họ sản xuất, mở rộng thị phần trong nước và thậm chí là thị trường nước ngoài, từ đó gia tăng nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này.

Ví dụ: Tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” được bảo hộ đã góp phần đưa loại trái cây đặc thù của vùng đất này đến với 12 thị trường quốc tế ở châu Á, châu Âu, châu Đại Dương và châu Mỹ, giúp các hộ trồng/ kinh doanh thanh long mang chỉ dẫn địa lý ở Bình Thuận có đầu ra ngày một ổn định cho quả thanh long. Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý “Vinh” đã giúp giá trị sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý này tăng từ 4000 đồng/kg (trước khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ) lên 40 - 45.000 đồng/kg, giúp người trồng cam có được thu nhập bình quân từ 500-700 triệu đồng/ vụ. Ngoài ra CDĐL được bảo hộ đã bước đầu tác động tích cực đến giá trị của sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, cam Cao Phong, cà phê Sơn La, hạt điều Bình Phước, rau an toàn Mộc Châu… Giá bán của các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng, cụ thể như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%, đặc biệt như bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ ..., nhiều sản phẩm đã xuất khẩu có gắn CDĐL như: nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn… 

Bên cạnh đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo lập căn cứ phát lý ngăn chặn các chủ thể khác đăng ký bảo hộ và/ hoặc sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý đó, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của họ.

3. Ý nghĩa đối với người tiêu dùng

Khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, người tiêu dùng có được sự yên tâm và có cơ hội sử dụng các sản phẩm với chất lượng được đảm bảo, kiểm duyệt; bởi các sản phẩm trước khi được mang chỉ dẫn địa lý, đều phải đáp ứng các yêu cầu về đặc tính, chất lượng, danh tiếng theo các yêu cầu cụ thể do chủ thể xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý đưa ra trên cơ sở các quy định pháp luật và cơ sở khoa học.

Bên cạnh đó, với việc các tiêu chuẩn, nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đều được công bố, và có các công cụ nhận diện riêng (nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tem truy suất nguồn gốc), người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận, kiểm chứng thông tin về sản phẩm khi có nhu cầu.

4. Ý nghĩa đối với sự phát triển của xã hội

Mục đích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý chính là hướng đến “thương mại công bằng”, tức là doanh nghiệp, tổ chức, cá thể kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp đúng thông tin của sản phẩm như đã công bố về nguồn gốc, chất lượng cũng như quy trình chăm sóc thu hoạch của sản phẩm, không có cơ hội lừa dối khách hàng, đồng thời, tạo sự công bằng cho các đối thủ cạnh tranh và nhà sản xuất.